Truyện ngắn

Hiển thị các bài đăng có nhãn Gia đình. Hiển thị tất cả bài đăng

Một cái giá sòng phẳng

 Cô không yêu anh. Chưa một lần nào, chưa bao giờ. Thế nhưng cô vẫn quyết định lấy anh. Vì anh yêu cô, anh có xe hơi, có căn hộ cao cấp, có học thức, có địa vị xã hội, chỉ vậy. Anh biết điều đó nhưng anh vẫn tiếp tục theo đuổi cô và rồi cầu hôn cô. Anh tin, một ngày nào đó anh sẽ làm cho cô yêu anh thật sự, bằng hôn nhân, bằng những gì anh đang sở hữu và bằng tất cả những gì anh có thể làm được cho cô.

Nhiều người bên ngoài nhìn vào vẫn luôn tự hỏi rằng vì sao anh cao to thế, bảnh bao thế, giàu có thế, học thức thế… Cớ gì anh cứ phải bám riết theo và săn đuổi cô cho bằng được trong khi cô chỉ là một cô gái bình thường. Bình thường nhưng không tầm thường. Cô xinh, cái xinh theo kiểu bướng bỉnh, ngang ngạnh và góc cạnh với một lối sống lạnh lùng, vô tâm.

Cô không yêu anh là bởi vì anh đã đuổi theo cô, anh vồn vã với cô còn cô thì lại đuổi theo và vồn vã với một người khác, một người cô thích và người đó thì chưa một lần nào thích cô, chưa bao giờ. Chính vì thế mà cô quyết định lấy anh. Sau một hồi rượt đuổi mệt mỏi trên trường đua. Cô quyết định dừng lại và chấp nhận làm kẻ bị thua cuộc. Anh đã thắng và đã tóm được cô trên tờ giấy hôn thú nhưng có lẽ anh nhầm, kẻ thua cuộc vẫn luôn hướng về cái đích mà cô ấy luôn khao khát để có được…

“Đi ngủ đi em!” – Anh đến bên cô, xoa đôi vai gầy và đưa tay định gấp chiếc laptop trên đùi cô lại.

“Em đang bận, anh ngủ trước đi!” – Cô nói, cố đẩy anh ra và mở lại chiếc lap.

“Sáng mai rồi hãy viết tiếp! Bây giờ đã 2 giờ rồi mà?”

“Anh cũng biết bây giờ đã 2 giờ rồi sao. Anh cũng vừa mới về đấy thôi?” – Cô ngước lên nhìn anh vặn hỏi lại.

“Anh xin lỗi, ở công ty có nhiều việc quá và anh phải cố để giải quyết nốt chúng!” – Anh nhìn cô, nói thật lòng rồi ngã qua phía bên kia giường nằm nghiêng sang nhìn cô.

“Ừm, em biết rồi, anh ngủ trước đi, em cũng phải viết nốt xong phần kịch bản này!”

“Thôi nào, em giận anh à? Anh bù cho nhé? Lại đây!” – Anh ngồi dậy và ôm chằm lấy cô, hôn vào gáy.

“Không, em không giận, để em yên làm việc nào!”

“Để mai đi, khuya rồi mà!” – Anh nài nỉ. Đôi môi anh ghì chặc lấy môi cô và đôi bàn tay ve vuốt dọc sống lưng. Cô cố phản đối nhưng không thành, đành đẩy chiếc lap sang một bên và với tay nhấn công tắc chiếc đèn phía bên trên.


Người ta nói rằng đàn bà không yêu làm tình vẫn thường hay mở mắt. Cưới nhau được 3 năm, đã có một đứa con trai 3 tuổi đầy kháu khỉnh nhưng cô vẫn không tài nào nhắm mắt được mỗi khi anh và cô yêu nhau như những lúc như thế này. Anh không hề biết điều đó, luôn luôn họ luôn yêu nhau trong cái thứ ánh sáng lờ mờ hắt vào từ cái cửa sổ trong căn phòng giữa tầng 12 của tòa chung cư cao cấp và cô luôn luôn mở to hai đôi mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà, nơi có chùm đèn như cái xoắn ốc bằng thủy tinh được chạm khắc tinh xảo và đắt tiền. Nhìn, nằm im và khẽ rên hừ hừ như một con mèo bị lạnh bởi nhiệt độ từ chiếc máy điều hòa âm tường đang xối xả phà hơi trên đầu.

Chỉ vậy mà nhóc Biu ra đời. Nhóc Biu, con trai của cô và anh – 24/8 năm nay nó sẽ tròn 4 tuổi. Thằng nhóc có đôi mắt to và cái miệng nhỏ xíu giống cô, và một sống mũi cao cùng cái đầu thông minh y hệt anh. Dù không yêu anh nhưng cô yêu nó lắm. Cô yêu nó hơn bất cứ cái gì cô có, nó là con của cô và anh, thế nhưng cô vẫn luôn tự hỏi, tại cớ nào mà cô vẫn không thể yêu được anh? Cớ nào mà sao khi anh chạm vào cô, cô chưa bao giờ cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc?

nhưng khốn nạn thay, cô lại luôn cảm thấy thỏa mãn và khao khát được nhiều hơn với người đàn ông ấy. Người đàn ông mà cách đây 4 năm cô đã từng rượt đuổi đến mỏi mệt và rồi buộc lòng phải dừng lại. Có lẽ sẽ chẳng bao giờ có điều gì tồi tệ xảy ra nếu cô không gặp lại người đó. Vào một chiều mưa cô dắt Biu đi café ở một quán cô hay ra ngồi và vô tình gặp lại người đàn ông đó. Nhóc Biu không thích người đàn ông đó, nó nhìn anh ta với một cái nhíu mày khó chịu và ra vẻ hờn dỗi mẹ thật nhiều khi nó nhìn thấy trong một cái gì đó ánh lên trong mắt mẹ nó, nó vẫn chưa đủ lớn để hiểu đó là gì, nó chỉ biết gọi điều đó nôm na là một sự ấm áp. Điều nó chưa bao giờ thấy ở mẹ đối với “baba iu” của nó.

Chiều đó café cô không yên với Biu, thằng nhóc hết quậy phá các thức uống trên bàn rồi thì làm mặt ụ ngồi ôm chiếc ipad trên tay không thèm tô vẽ màu như mọi khi nó vẫn hay làm. Lát sau nữa, nó kêu đói bụng, đòi mẹ dắt đi ăn mì xào ở phố Cây Thị. Cô dành phải tạm biệt người đàn ông cô đã từng nhớ nhung đến phát ốm để dắt con mình đi ăn. Chiều hôm đó khi vừa rời khỏi café, khi vào xe ngồi và mẹ lái xe đi qua phố Cây Thị, Biu đã bị mẹ mắng cho một trận vì tội không ngoan khi mẹ đang ngồi nói chuyện với bạn mẹ, điều Biu chưa bao giờ bị mắng! Nhóc Biu buồn hiu ngồi trong oto nhìn ra ngoài cửa kính, gương mặt phúm phím của nó ụ xuống, hai đôi mắt to long lanh sụp buồn, cái môi nhỏ mím lại. Nó nhớ ba nó kinh khủng, ba nó đi công tác nước ngoài gần cả 2 tuần nay sao mà chưa thấy về. Tối nào ba cũng gọi điện cho nó nhắc nó đi ngủ sớm và phải ngoan với mẹ sau đó ba bảo nó đưa máy cho mẹ, nó lon ton ôm cái điện thoại chạy sang phòng mẹ, nghe tiếng bước chân nó bước dồn, mẹ nó tắt đèn và nói khẽ qua cửa phòng.

“Gác điện thoại đi ngủ sớm đi Biu, nói với ba mẹ ngủ rồi, mai mẹ sẽ gọi lại cho ba!”

Và thằng nhóc 3 tuổi lủi thủi ôm chiếc điện thoại về phòng, khẽ nói:

“Ba ơi, mẹ ngủ mất tiêu rồi!”

Một tối, Biu ở nhà một mình với dì Tám. Mẹ nó vắng nhà. 7 giờ tối mẹ gọi điện thoại cho nó và bảo nó ăn xong, học bài và đi ngủ, tối nay dì Tám – người giúp việc cho nhà nó hằng ngày sẽ ngủ lại với nó vì mẹ có việc đột xuất trên công ty không về được. Tối đó, ba nó gọi điện hỏi mẹ nó đâu. Nó làm thinh, l

sau, nó nói như mọi khi “Ba ơi, mẹ ngủ mất tiêu rồi!”

Rồi 2 tuần liên tiếp đó mẹ nó lại hay vắng nhà vào buổi tối. Thằng nhóc 3 tuổi chẳng biết gì vẫn phải ở nhà và trực điện thoại một mình. Anh ở Mỹ và buồn vô vàng vì cả khối công việc đang bộn bề rối ren, anh chỉ cảm thấy bớt căng thẳng khi cố dành chút thời gian của giờ nghỉ trưa để gọi điện cho con trai và vợ mình nhưng chẳng lần nào cô bắt máy. Cô luôn đi ngủ trước nhóc Biu. Anh biết cô không muốn bắt máy bởi cơ bản nhiều lần anh gọi cho số di động của cô, cô luôn ậm ừ và bảo đang bận hoặc đang ngủ. Công việc khiến anh mệt mỏi, sự hờ hững của cô sau biết bao thứ anh cố xây dựng và dành tất cả cho cô khiến anh càng mệt mỏi. Anh chẳng biết phải làm thế nào thì cô mới có thể quay đầu lại về phía anh, nhìn lại tình cảm của anh, dù chỉ một lần, một lần duy nhất.

Một cái giá sòng phẳng

Một ngày mưa, nhóc Biu thấy mẹ nó dẫn một người đàn ông về nhà. Sau khi cởi bỏ chiếc áo khoác da ướt sũng trên người ra, nó nhận ra đó là người đàn ông mà nó đã gặp ở quán café hôm nọ cùng mẹ. Tối đó, mẹ cho dì Tám về và bảo rằng người đàn ông đó sẽ ngủ ở so-pha trong nhà nó đêm nay và đúng là thế thật.

Tối đó, 10 giờ rồi mà ba vẫn chưa gọi điện cho nó. Nó cứ nằm trong phòng và thao thức chờ điện thoại của ba sẽ lại reo như thường ngày. 11 giờ, nó vẫn chưa ngủ. Rồi 12 giờ. Nó vẫn thao thức lăn qua lăn lại ôm con gấu Teddy to ơi là to mà ba nó đã mua cho nó vì nó trả lời được câu hỏi bằng tiếng Anh của ba.


12 giờ. Nó ôm con gấu chạy sang phòng mẹ định hỏi xem vì sao hôm nay ba nó không gọi điện về cho nó. Đi qua mấy bậc cầu thang và bậc đèn hành lang, nhóc Biu đưa tay định gõ cửa nhưng nó im thinh thít khi nghe tiếng mẹ nó đang la ú ớ gì đó trong phòng. Cánh cửa không khóa, nó đẩy nhè nhẹ và bất chợt nó đứng nín thinh nhìn cảnh tượng mẹ nó đang ôm chặc lấy người đàn ông lạ trên chiếc giường của ba và mẹ nó.

Nhóc Biu không biết nó sẽ đứng đó đến bao giờ nếu ba nó không bất ngờ đẩy cửa và kéo chiếc vali bước vào phía bên dưới cầu thang. Giật mình, nhóc Biu quay xuống và gọi to

“Ba ơi!”

Ba nó mỉm cười nhìn lên và bước thật nhanh lên cầu thang trong bộ đồ vest đầy mệt mỏi. Vừa lúc ba nó bước lên thì mẹ nó cũng hoảng hốt từ trong phòng nhìn ra. Trong căn hộ chung cư tầng 12 một đêm mưa có 4 người. Hai đàn ông, một đàn bà và một đứa nhóc lên 3, tám đôi mắt nhìn nhau. Chẳng ai nói một lời nào…

Chẳng có gì ầm ĩ, chẳng có gây gổ, ghen tuông, đánh đấm hay một lời cãi cọ. Anh ôm xốc nhóc Biu lên vai và bước nhanh khỏi cầu thang, ra khỏi căn hộ và đóng rầm cửa. Bên ngoài trời vẫn mưa như muốn trút hết nước xuống nhấn chìm cả thành phố trong đêm nay. Cô cúi gầm mặt và ngồi sụp xuống sàn nhà, trên người không một mảnh vải. Người còn lại lặng lẽ mặc quần áo vào và kéo cô đứng dậy, khoác chiếc sơ-mi lên người cho cô và nói khẽ với cô rằng “Anh về đây!”

Cánh cửa lại một lần nữa đóng rầm.

Cô bật khóc giữa đêm, trơ trội, nửa rên rỉ nửa gào thét. Điều gì đã khiến người ta trở nên tội lỗi và đau đớn thế này? Vì cái gì nhỉ?

Anh lái xe như điên trên đại lộ như muốn té toạt mặt đường và xé toạt những giọt mưa nặng nề đang xối xả từ trên trút xuống, ngồi kế bên là nhóc Biu bé nhỏ đang run rẩy vì sợ tốc độ lao vun vút của ba nó, điều đáng sợ mà chưa bao giờ nó thấy ở ba nó lúc này. Sự giận dữ và đau đớn tột cùng. Khi ba nó dừng xe ở một đoạn đường nào đó thì trời đã hết mưa, cuối lằn chân trời đã ửng tím. Nhóc Biu và ba nó đã quá mệt mỏi. Nó ngồi trong lòng ba nó và ngủ yên trên xe như thế… rất lâu, rất lâu.

hẳng có gì xảy ra trong những ngày tiếp đó. Mọi thứ bình thường đến khó chịu. Chẳng ai nói với ai trong bữa ăn tối gượng gạo nhanh chóng rồi về phòng đóng rầm cánh cửa. Cô thường ở lì trên công ty đến tận khuya rồi về để tránh gặp mặt anh trong những bữa ăn. Cô sợ sự im lặng đó đến ám ảnh. Anh chẳng còn tha thiết ngủ ở căn phòng đó nữa, anh ghê tởm nó và chẳng bao giờ bước chân lên đó, Anh nhờ dì Tám dọn hết tất cả đồ đạc của anh xuống phòng của nhóc Biu và luôn cố gắng tranh thủ đi làm về sớm, đón nó ở trường mầm non, đưa nó đi ăn, mua sách đọc cho nó nghe và ôm nó ngủ mỗi buổi tối.

Còn cô thì vẫn thường âm thầm hỏi dì Tám xem họ đã sinh hoạt như thế nào, anh về lúc mấy giờ, đã ăn uống gì chưa và thường nhìn anh cùng nhóc Biu ngủ qua khe cửa ở phòng nó, đôi khoe mi rưng rưng nước mắt và quay về phòng ngồi một mình trên chiếc giường rộng thênh thang nhìn những vệt sáng từ chiếc cửa sổ hắt vào… chẳng hình thù, chẳng thể gọi tên.

———————

Ngày 24 tháng 8 năm…

Cô đang ở công ty và viết dang dở phần kết của đoạn kịch bản cô đang theo đuổi thì chợt tiếng chuông điện thoại ngân dài. Cô uể oải đứng dậy, liếc nhìn chiếc hộp quà cô đã gói từ hôm qua cho nhóc Biu và chốc nữa về nhà cô sẽ tặng cho nó, dù cô đoán, có lẽ thằng nhóc nhận nhưng sẽ không tíu tít như những lần sinh nhật trước nữa. Cô đứng dậy, tay phải nhấc điện thoại và đưa ống nghe lên tai, tay trái khẽ kéo chiếc rèm cửa và bất ngờ khi thấy bên ngoài trời đang mưa. Những giọt nước chảy dài trên mặt kính thành những đường ngoằn ngèo khó hỉu.

“Alo?”

“Xin cho hỏi đây có phải là cô T.A không ?”

“Vâng, tôi là T.A!”

“Thưa cô, tôi rất tiếc phải thông báo với cô rằng, chồng cô và con trai cô đã qua đời vì tai nạn oto trên đại lộ số 5. Có thể vì trời mưa quá to, mặt đường trơn, tầm nhìn kém nên chiếc xe tải đã đâm vào chiếc Toyota biển số 0782 màu đỏ – của anh Đ.Q – chồng cô. Khi chúng tôi đưa người đến thì chồng và cả con trai cô đã không còn. Cả hai đều bị chấn thương ở phần gáy quá mạnh dẫn đến tử vong. Chúng tôi xin chia buồn với cô và những người thân trong gia đình. Còn bây giờ, phiền cô đến đây để làm các thủ tục nhận xác và xác nhận sự việc cùng….”


Cô buông thỏng ống nghe. Hai đôi mắt chẳng còn chút cảm xúc nào. Cô chạy băng băng ra khỏi công ty, đội mưa đội gió đến chổ con trai và chồng cô đang nằm bất động. Người ta đã rửa sạch các vết máu trên người thằng bé và anh. Trông họ cứ như đang ngủ trên chiếc cán trải nệm trắng tinh ở phòng xác. Gương mặt Biu như đang mỉm cười vì thích thú một cái gì đó còn anh thì nhắm nghiền đôi mắt thâm quầng, lộ rỏ vẻ mệt mỏi. Chẳng có một lý do nào để khiến cô tin rằng họ đã không còn sống. Họ vẫn đang hiện hữu trước mặt cô, sờ sờ và thật đến khó tả. Cô run run nắm lấy đôi bàn tay anh và Biu, quỳ xuống bên chiếc nệm. Khóc thét lên gọi tên cả hai như đang cố hy vọng họ sẽ đáp lại nhưng vô vọng. Chồng và con trai của cô sẽ không bao giờ có thể gọi tên cô một lần nào nữa.

2 tuần sau lễ tang cô như một cái xác, trắng bệch và gầy nhom. Chẳng buồn viết lách hay ra ngoài, chẳng buồn gặp bất cứ ai. Suốt ngày cô ném mình vào căn phòng của con trai và chồng cô đã từng rất giận và buồn cô ở đó. Suốt ngày, cô chỉ nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại của anh – với dòng tin nhắn nháp đang viết dỡ mà cô nhận lại từ những người thu dọn hiện trường tai nạn gửi đến.

“Vợ à, hôm nay là sinh nhật tròn 4 tuổi của con trai chúng ta đấy! Em nhớ mà phải không? …Anh đã suy nghĩ rất nhiều, anh và con đã giận em rất nhiều nhưng… có lẽ lỗi không phải là ở em. Tại anh… Anh xin lỗi nhưng anh rất yêu em… nên em à, hôm nay anh gửi em tin nhắn này là để muốn nói với em rằng, anh và con đã tha….”

Dòng tin nhắn nháp chỉ vỏn vẹn có vậy. “Anh và con đã tha…thứ” – Anh vẫn chưa viết ra trọn vẹn và anh đã mất.

Mọi thứ khép lại. Không phải là hồi kết mà chỉ mới là bắt đầu. Từ nay, cô phải tự biết cách để sống với những gì ở lại! Để trả giá cho sự khao khát rượt đuổi đã từng của cô, một cái giá rất sòng phẳng!

HÔN ANH, THÊM LẦN NỮA NHÉ!


Mỗi lần đứng trước cửa nhà tôi là cô gái ấy sẽ chuẩn bị nói một câu chuyện, dài và lộn xộn. Còn tôi thì luôn chỉ lắng nghe, trong vai người bạn được gia đình em trả tiền hàng tháng để im lặng và nghe em nói.

***

Đó là ngày cuối cùng của tháng Mười, mưa mang cái rét đầu mùa ùa vào lòng Hà Nội. Những con đường trùng xuống, ảm đạm trong một màn mưa miên man và day dứt. Khi tôi đang ngồi bên cửa sổ căn gác nhỏ của mình, đọc một số tài liệu cho cuộc họp chuyên môn, những hạt mưa hoà vào nhau rồi lăn dài thành những dòng tiếc nuối phía bên ngoài lớp kính, cô gái đó tìm đến trước cửa nhà tôi.

Em đứng trước bậc thềm, giũ nhẹ chiếc ô in hình nhiều bông hoa nhỏ màu cam ngả nâu xếp thành những vòng tròn đồng tâm cho những hạt nước mưa rơi xuống và đưa ngón tay trắng bệch nhấn vào chuông cửa. Nửa phút sau, cánh cửa mở ra. Em đứng trước tôi, mắt nhìn thẳng, cái cổ cao hơi vươn lên dường như đang cố tìm cho mình âm vực của sự bình tĩnh. Và em tìm được. Bình thản, em nhìn vào mắt tôi:

- Em cần nói chuyện.


Em co người, vùi mình vào chiếc gối màu xanh nhạt đặt ở góc chiếc ghế đệm trắng, mắt nhìn đăm đăm vào bức tranh "Phố" treo ở bức tường đối diện. Tôi lặng im nghe em nói, lặng im như từ trước đến giờ vẫn vậy, trong vai người bạn được gia đình em trả tiền hàng tháng để im lặng và nghe em nói.

Người ta nghĩ em nên có một người có thể khiến em tin tưởng và tâm sự, bởi có một ngày, họ nhận ra em không có đến một người bạn thực sự. Em chìm trong câu chuyện của mình, miên man nói, mắt vẫn không rời bức tranh trên tường – bức tranh vẽ một góc phố nào đó của Hà Nội với những đường nét đơn giản và gam màu của quen thuộc của mùa Thu. Câu chuyện dài ra theo những lúc đến giảng đường, về nhà, ngồi vào bàn ăn, bữa trưa một mình, những món ăn từ rau đến thịt, đến cả chiếc đĩa đựng những quả táo, chiếc găng tay lấy đồ nướng trong lò của cô giúp việc tên Hoài, chương trình tivi lúc ba giờ chiều, chiếc áo dài cô biên tập viên mặc, bản nhạc đàn bên dương cầm đứt đoạn bởi cơn mưa, và mùi mưa lạnh giá tràn căn phòng...

- Bây giờ anh muốn làm gì? – Em đột ngột quay sang và hỏi tôi.

- Làm gì à? – Tôi hỏi lại trong lúc tìm kiếm một suy nghĩ – Tôi muốn một giấc ngủ dài, quên tuốt những cuộc họp rắc rối. Khi tỉnh dậy, tôi sẽ ăn một tô phở nóng.

- Em chẳng thích ngủ, và cũng chẳng muốn ăn phở. – Em nhún vai.
...
- Em chỉ muốn đi...
...
- Hôm nay đủ rồi. Em về đây!

- Đủ rồi? – Tôi nhìn em hoài nghi.

- Vâng, đủ rồi!

- Tôi thấy có chuyện gì đó khác!

- Anh mắc bệnh nghề nghiệp nặng quá rồi đấy. Có lẽ với bác sỹ tâm lý thì đầu óc ai cũng có vấn đề! – Em cầm chiếc ô với những vòng tròn hoa đồng tâm lên, bước về phía cánh cửa.

- Em cứ quay lại nếu thấy cần!
...

Đó là cuối chiều của một ngày cuối tháng Mười, trời tối sớm, không gian là một màu ảm đạm và buồn bã. Bốn mươi lăm phút sau khi 'bệnh nhân' của tôi bước ra khỏi cánh cửa, tôi đã quay lại và tiếp tục nhấn chìm mình trong đám tài liệu với mong muốn về một giấc ngủ dài và tô phở nóng sau khi thức dậy. Ngoài cửa kính, mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt, những cành cây run rẩy trong từng cơn gió lạnh.

Trong một thoáng, tiếng chuông cửa kéo tư tưởng vừa tự do bay tung lung quay lại với căn phòng nhỏ. Cô gái ấy lại đang đứng trước cửa nhà tôi, tay giũ nhẹ chiếc ô in hình những bông hoa li ti xếp thành nhiều vòng tròn đồng tâm. Nửa phút sau, cánh cửa mở ra. Em đứng đó, những sợi tóc thấm nước mưa, bết lại thành những lọn nhỏ, vai áo trắng và gấu quần jeans thì đã ướt nhẹp. Em ngước lên, lặng lẽ nhìn tôi bằng ánh mắt trong suốt, đôi môi mím chặt và cố giữ cho mình đứng vững trên đôi chân run rẩy vì lạnh.
- Tôi nhớ em có mang ô!

- Vâng... – Em cúi mắt xuống.

- Vào đi ! – Tôi đẩy vai em qua khỏi cánh cửa. – Và nói cho tôi nghe đã xảy ra chuyện gì.

Căn phòng tê cứng trong im lặng. Em so vai trong chiếc chăn mỏng và duỗi nhẹ những ngón chân đỏ ửng – dường như đã đi bộ rất xa, xoay nhẹ người trong bộ đồ rộng rãi tôi đưa em thay trước đó, mắt vẫn đăm đăm nhìn vào bức tranh 'Phố' treo trên tường, màu sắc ấm áp hơn đôi chút với cái chụp đèn vừa bật sáng. Tôi ngồi vào chiếc ghế bên cạnh và chờ đợi. Cảm giác thật khó tả khi nhìn vào em trong khoảnh khắc đó, giống như em đang quay lưng về phía tôi, quay lưng lại với thế giới đằng sau, gương mặt chìm trong bóng tối của sự cô độc đang khao khát được chia sẻ. Em nhắm mắt:

- Ba mẹ em ly hôn rồi. Sáng nay mẹ đã lên máy bay...
...
- Mẹ sang Ý, còn em thì chưa bao giờ thích nước Ý cả. Em chỉ muốn Hà Nội.
- Ba nói với em: "Ba rất tiếc". Và chiều nay, ba đi Nha Trang dự hội nghị...
...
- Cô Hoài rất buồn vì mẹ đi. Chiều nghe tin con trai cô ấy ở quê ốm. Thế nên cô ấy đã xin nghỉ ba ngày... Em dặn cô ấy nghỉ một tuần. Em nói em tự lo được...
...
- Dù sao em cũng đã 21 tuổi rồi. Em đã rất lớn. Em đã học qua lớp nấu ăn, biết dọn nhà, đến trường, về nhà, chơi dương cầm hoặc xem tivi khi buồn... Không còn là con bé 6 tuổi phải để người lớn giục đi ngủ...
...
- Ba không hay ở nhà với em. Mẹ cũng thế...
...

- Suy cho cùng, em chỉ quen với sự có mặt của cô Hoài. Em chẳng thấy có gì thay đổi ngoài sự vắng mặt của cô ấy. Nhưng...
...

- Hôm nay em ở lại đây được không ? – Em choàng mở mắt rồi quay sang nhìn tôi, vẫn ánh nhìn trong suốt nhưng lấp lánh những niềm hy vọng của một đứa trẻ.

- Nếu em muốn. Nhưng em sẽ nấu bữa tối, đồ ăn có trong tủ lạnh. – Không tỏ ra ngạc nhiên, tôi khoát tay làm một động tác chỉ về phía nhà bếp.

Em nhoẻn cười, gạt chiếc chăn mỏng sang, đi về phía nhà bếp, bỏ mặc tôi phía sau – đăm đăm nhìn vào bóng gót chân em thấp thoáng sau gấu quần phải xắn lên vì quá dài.
...
Đó là một buổi tối của ngày cuối tháng Mười, căn phòng hơi se lại bởi cái rét đầu tiên vừa mới về ngày hôm qua giữa lòng thành phố. Phòng ăn ấm áp với những chiếc đèn rủ xuống từ trần nhà, toả ra thứ ánh sáng màu mật ong loãng dịu nhẹ. Em đặt tô canh xuống bàn, đến gần và hôn nhẹ lên tóc tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn em. Em cười :

Như một gia đình vậy !

Ừ, "như một gia đình". Đã lâu rồi, tôi không thấy trong lòng nhẹ nhõm đến lạ lùng như vậy. Có lẽ việc sống quá lâu với những bữa ăn một mình khiến khoảnh khắc này trở nên rất khác biệt.

- Tại sao anh không sống với ba mẹ?

- Ba mẹ anh không giống ba mẹ em. Họ vui hơn mà! – Em ngước mắt nhìn lên những chiếc đèn, mắt long lanh sáng với những ý nghĩ vui vẻ về ba mẹ tôi.

- Anh thử món canh đi. Em vừa đọc công thức làm nó trên gói hạt nêm. – Em mỉm cười – Em chưa từng làm, cũng chưa ăn bao giờ. Hồi trước, em gọi đó là Món canh cho Thỏ. Có quá nhiều loại củ, anh thấy không...
- ...
- Anh thấy ngon chứ? Cả món này nữa... Trong tủ của anh rất nhiều đồ... Chị ấy mua cho anh hả?

- "Chị ấy"? – Tôi ngước lên – À, mẹ tôi.

Em ngậm đầu đũa, mắt lại ngước về phía những bóng đèn.

Phần còn lại của bữa tối trôi qua im lặng. Gần hai năm, tôi đã tạo ra một thói quen là nghe em nói và không can thiệp nhiều vào mạch ngôn từ của em. Cho đến lúc muốn nói về bữa tối dành cho Thỏ với 70% rau củ quả thì bắt gặp những suy nghĩ trong mắt em. Ừ, có lẽ sự vui vẻ lúc này đối nghịch quá với nỗi buồn em mang theo. Có một gia đình vừa mới tan vỡ.

Đó là đêm cuối tháng Mười trời mưa, khi đồng hồ đang chỉ về những giờ cuối cùng của ngày, cô gái ấy và tôi đang ngồi trên những chiếc ghế khác nhau, theo dõi một chương trình tổng hợp bóng đá. Một lát sau, em đứng dậy, làm một điệu bộ rón rén rất buồn cười và đi về phía tôi trên những ngón chân. Em ngồi xuống tấm thảm dưới chân tôi, vươn tay choàng qua cổ tôi:

Em chỉ muốn được ôm thật chặt!

Một vài giây để cảm nhận mùi hoa Lavender trên tóc em.
Lẽ ra anh nên nói những lời vui vẻ trong bữa tối chứ? Ăn tối với anh thật là chán!...

Tôi đưa tay và ôm lấy em. Cái ôm chặt tốt cho một thân thể rã rời sau những ngày mệt mỏi. Nghe cánh tay em siết lại trên cổ tôi, để gần nhau thêm một chút.

- Nếu em muốn hôn anh thì sao? – Em thì thầm cùng với một nụ cười nghịch ngợm.

- Em có biết mình đang đi đâu không?

- Có!

Và chỉ một động tác đơn giản, em áp môi em vào môi tôi. Đó là những thời khắc cuối cùng của tháng Mười, khi ngoài trời, mưa vẫn nặng hạt rơi, gió thổi lạnh từng cơn, và phía bên trong căn phòng, chúng tôi đã hôn nhau rất lâu...

- Anh sẽ nhường giường của anh cho em chứ?

- Em sẽ ngủ ở salon, tiểu thư ạ!

- Đàn ông galant sẽ nhường giường nệm cho phụ nữ và ngủ ở trên ghế!

- Hãy ra salon nằm đi, em sẽ có một chút kinh nghiệm mới mẻ. Tôi nghĩ là em đã chán giường nệm rồi đúng không?

- Anh không galant chút nào!

- Cảm ơn vì lời khen!

Tháng Mười đang trôi qua những giây cuối cùng. Khi cô gái ấy đã cuộn mình trong tấm chăn ấm và nằm im trên ghế salon trong phòng khách, khuôn mặt giấu vào chiếc gối mềm màu xanh cốm nhạt, tôi trở lại phòng ngủ, khép cửa lại và vùi người vào đám chăn gối của mình. Tôi đã nghĩ, nếu có thể, tôi muốn hôn cô ấy thêm một lần nữa, và có thể là một lần nữa, một lần nữa...
...

- Em vừa bò vào giường tôi đấy! Em là một cô bé hư hỏng ! – Tôi gối đầu lên cánh tay mình, hé mắt nhìn em trong ánh đèn ngủ màu cam nhạt.

- Không, em không hư hỏng! – Em chun mũi bướng bỉnh. – Ở ngoài đó sợ lắm, gió cứ thổi mãi. Cành cây đập vào cửa sổ nhà anh nghe như có ai gõ cửa vậy!

- Em thật nhát gan, chẳng chịu nổi lấy năm phút một mình!

- Không! Chẳng qua đây đâu phải nhà em? Em không quen.

- Em đã lê la ở đây gần hai năm rồi!

- Nhưng vẫn không phải nhà em...

- Em không sợ tôi sẽ làm gì em sao?

- Anh sẽ làm gì em à?

- Có thể!

- Nhưng em đang mặc một bộ đồ buồn cười và chẳng sexy chút nào hết!

- Thế thì sao? Em không thấy lúc nãy tôi hôn em rất say sưa đấy à?

- Anh thích hôn em đấy chứ?

- ...

- Đấy là nụ hôn thứ hai của em.

- Thứ hai?

- Lần đầu tiên khi em học lớp 11, cậu bạn cùng lớp. Em thấy nó rất khó chịu và bọn em đã không hẹn hò thêm nữa.

- Vậy lần này thế nào?

- Khó chịu bình thường! – Em cười.

- Em nói dối. Tôi thấy là em cũng rất say sưa!

- Thôi ngủ đi. Em tránh xa tôi ra. Tôi sợ những móng tay của em! Nếu thức khuya hơn nữa, mai tôi sẽ muộn làm và tôi sẽ giết em.

- Được thôi! – Em nhướn mày và quay đi.


Chúng tôi nằm quay lưng vào nhau. Tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm từ cô gái ấy, một luồng ấm áp với những cảm xúc rất buồn cười. Bên cạnh tôi, một cô gái 21 tuổi, dường như chưa kịp lớn bởi tuổi thơ thiếu sót quá nhiều ký ức, để thậm chí không thể cảm nhận được sự tan vỡ, không biết cách khóc khi ba mẹ mình ly hôn, nói rất nhiều mỗi lần đến gặp tôi, chỉ yêu cầu được lắng nghe bởi như thế với em đã là đủ, đề nghị được ở lại nhà tôi vào một tối tháng Mười mưa lạnh buốt và chui vào giường tôi lúc Mười hai giờ đêm nhưng lại làm cho tôi có cái cảm giác thật yên lòng, vì tôi biết mình sẽ không "làm gì".

Sự xuất hiện của em trong căn nhà buồn tẻ này đã trở nên tự nhiên và thân quen quá đỗi. Có lẽ đó là, cảm giác cần che chở và không thể làm tổn thương một cô gái đã quen với việc bị thương quá nhiều trong đống nhung lụa của mình...

Khi tôi đi làm, cô gái ấy vẫn đang còn say ngủ, mặt quay về phía tôi nằm nhưng hai bàn tay thì giấu dưới gối. Tôi để lại cho em một mấu giẩy ngắn gọn: "Tự lo bữa sáng nhé!" và vội vã ra khỏi nhà. Lúc trở về, tôi nhận được một mẩu giấy to gấp sáu lần mẩu giấy tôi để lại, và những gì em viết: "Em sẽ sang Ý tìm mẹ. Khi mẹ đi, em đã trốn trong phòng và không ôm mẹ. Chiều ngày mùng 8 em quay lại Hà Nội. Em cũng đã gọi cho ba và nói ba cắt hợp đồng với anh. Bởi vì, lúc 5 giờ chiều ngày mùng 8 tháng Mười một, nếu anh ra đón em ở Nội Bài, em sẽ trò chuyện với anh miễn phí trong suốt phần còn lại của ngày tháng. Và hôn anh thêm một nụ hôn nữa, một nụ hôn nữa, một nụ hôn nữa..."

Sưu Tầm : Truyện Ngắn

Tag : ,

CƯỚI...SAO PHẢI CUỐNG?


Một đám cưới đẹp nhất là lúc nào? Không phải khi đi xin dâu, đêm tân hôn hay lúc... đếm phong bì. Hóa ra một đám cưới đẹp nhất là khi người ta quyết định sẽ có một đám cưới vào ngày X tháng Y năm Z. Tức là đã đi hỏi ông bà thầy bói nào đó xem ngày. Vì sao nó đẹp?

Vì nó là cái mà người ta chờ đợi. Hóa ra, sự chờ đợi cũng ấn chứa hạnh phúc trong nó. Vì có điều đáng đế ta chờ đợi.

Không có sự chờ đợi nào mới thực sự là rỗng. Khi bạn biết mình đang chờ đợi điều gì đó thì bạn hãy vui đi. Bởi bạn sẽ chẳng vui nổi đâu nếu bạn chẳng có điều gì để chờ đợi cả.

Hôn nhân là một câu chuyện dài không có điếm kết (mà chẳng ai khi bắt đầu một cuộc hôn nhân lại mong nó có điểm kết thúc cả). Vì thế dù buồn hay vui nó cũng là cả một hành trình đòi hòi nhiều hy sinh.

Hoa trái sẽ khai sinh từ sự biết điều. Hôn nhân là một chiếc xe chạy nhiên liệu là sự biết điều. Nó sẽ chết máy nếu như bạn không biết điều. Sự biết điều bao gồm cả khả năng diễn kịch làm người thua cuộc. Trong tất cả các cuộc tranh luận, hãy biết lúc nào cần thua cuộc thì mới có thể thắng cuộc ở các chặng sau.

Cảm giác trở về nhà mình sẽ rất rõ rệt với những người bắt đầu cuộc hôn nhân. Bạn biết từ bây giờ, mọi con đường đều dẫn đến một nơi: Ngôi nhà của mình. Điều đó tuyệt vời hơn bất cứ điều gì bạn đã trải qua. Đây là đích đến cuối mỗi ngày của bạn.

Hôn nhân mang đến cho bạn cả những bữa cơm nữa. Đó là những bữa cơm mà chỉ riêng đôi mắt lấp lánh của người kia cũng đủ khiến bạn không cần đến thịt thà cá mú. Cơm ngon đến tròn lẳn bụng hay vì cảm giác ấm áp khiến bạn no căng? Hôn nhân tuyệt diệu như thế đấy!

Tôi nhớ, ngày tôi đi xin dâu. Tôi nhắn cho một cậu em: Run quá! Cái run của kẻ dại dột lần đầu tiên dám thử sức tại đấu trường lớn: Hôn nhân. Nhưng rồi, sáng hôm sau đêm tân hôn, tỉnh dậy thấy bên cạnh mình là một người phụ nữ, cảm giác ấy rất kỳ diệu. Cái giường khi ấy chẳng khác gì một con tàu chiến và mình biết, mình sẽ phải chỉ huy con tàu đó cho một hải trình lớn. Đối phó với hàng loạt những kẻ thù như sự nhàm chán, sự không biết điều, những mâu thuẫn, khác biệt...

Hôn nhân: Đó là một câu chuyện và thực sự là một câu chuyện nên viết cho cuộc đời mình.

Tag : ,

- Copyright © Truyện ngắn plus - Truyện ngắn plus - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -